Rất nhiều ý kiến nghi ngại của đại diện
các trường ĐH, CĐ, cán bộ quản lý, giảng viên tiếng Anh nhiều tỉnh thành
cả nước đã được đưa ra tại hội thảo “Ngành đào tạo GV tiểu học với đề
án ngoại ngữ quốc gia 2008-2020” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức
sáng 23-12.
Nói về khó khăn khi thực hiện đề án ngoại
ngữ quốc gia, ThS Ngô Thị Nga, phó trưởng khoa ngoại ngữ Trường CĐ Sư
phạm Bắc Ninh, cho rằng: “Khó khăn đầu tiên chúng ta gặp phải là lực
lượng GV tiếng Anh cho tiểu học hiện tại không được đào tạo chuẩn về
nghiệp vụ sư phạm tiểu học. Sắp tới tìm đâu ra nguồn GV giảng dạy tiếng
Anh bậc này đang là một thách thức lớn với ngành giáo dục trên toàn
quốc”.
Điệp khúc yếu và thiếu
Cái yếu của lực lượng GV tiếng Anh được
ThS Nguyễn Minh Giang, giảng viên khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm
TP.HCM, nêu ra: tại hội thảo thí điểm giảng dạy tiếng Anh ở tiểu học, Bộ
GD-ĐT đã thừa nhận chỉ có 28/148 GV được khảo sát đạt chuẩn để dạy thí
điểm tiếng Anh lớp 3.
ThS Ngô Thị Nga dẫn thực tế: Trong những
năm qua, GV tiếng Anh tiểu học của chúng ta đều được đào tạo từ các
trường CĐ sư phạm, ĐH sư phạm ngoại ngữ hoặc các trường ĐH, CĐ có mã
ngành tương đương ngành cử nhân tiếng Anh. Một bộ phận GV tiếng Anh
không qua trường sư phạm. Những GV được học sư phạm cũng chỉ có chuyên
môn giảng dạy trung học chứ không chuyên về tiểu học.
Trở ngại hàng đầu cho chủ trương dạy
tiếng Anh bắt buộc ở bậc tiểu học chính là trình độ sư phạm, phương
pháp, kỹ thuật dạy học ở bậc tiểu học. Nếu trở ngại này không được khắc
phục, việc dạy tiếng Anh bắt buộc ở tiểu học sẽ chỉ là hình thức, không
đem lại hiệu quả thiết thực.
Từ thực tế địa phương Hậu Giang, nơi đã
có 20 trường tiểu học có dạy tiếng Anh, ông Bùi Đức Quang - đại diện Sở
GD-ĐT Hậu Giang - nêu thực tế sau nhiều năm tuyển GV tiếng Anh từ các
trường ĐH, CĐ, tìm nguồn GV từ các tỉnh lân cận, hiện tỉnh này có 120 GV
biên chế, đến năm 2020 cần thêm 479 GV, tức gấp bốn lần số GV hiện nay.
Lại có một thực tế khác được nêu lên:
hiện nhiều trường CĐ sư phạm địa phương cũng không còn đào tạo GV ngoại
ngữ trình độ CĐ do thực tiễn địa phương không có nhu cầu tuyển dụng. Tức
là nhiều tỉnh thành không đào tạo đội ngũ GV có thể dạy tiếng Anh.
Trong khi đó, đến thời điểm này, chưa có
trường ĐH, CĐ nào đào tạo ngành sư phạm tiếng Anh tiểu học. Việc mở mã
ngành đào tạo GV tiếng Anh tiểu học vẫn còn là những đề xuất từ các sở
GD-ĐT và dự định của các trường ĐH, CĐ.
Không dễ tìm nguồn
Nêu giải pháp tạo nguồn GV tiếng Anh tiểu
học cho đề án ngoại ngữ quốc gia, TS Nguyễn Ngọc Vũ, trưởng khoa tiếng
Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề xuất bốn mô hình đào tạo GV.
Thứ nhất là mô hình học năm năm có hai
bằng “sư phạm tiểu học” và “CĐ sư phạm tiếng Anh” với chuẩn tiếng Anh
đầu ra đạt 500 điểm TOEFL PBT. Thứ hai, mô hình đào tạo bổ sung, cấp
chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh tiểu học cho SV tốt nghiệp khoa giáo dục
tiểu học. Thứ ba, cấp chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh tiểu học cho SV đã
tốt nghiệp ĐH hoặc CĐ chuyên ngành tiếng Anh. Tuy nhiên, sẽ rất ít SV
khoa tiếng Anh theo hướng dạy tiểu học. Thứ tư là mô hình dạy GV tiếng
Anh tiểu học tại khoa Anh ĐH Sư phạm TP.HCM.
Tuy vậy, theo TS Nguyễn Thị Ly Kha -
trưởng khoa giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, việc tìm và tạo
nguồn GV dạy tiếng Anh những năm trước mắt là điều không đơn giản. Cuộc
khảo sát bỏ túi của TS Kha về nhu cầu và nguyện vọng của người học đối
với ngành sư phạm tiếng Anh tiểu học cho thấy một kết quả hết sức đáng
lo âu về nguồn tuyển ngành này.
Khảo sát với đối tượng là 50 SV sư phạm
tiếng Anh tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kết quả cho thấy: không có SV
nào có hướng sẽ về trường tiểu học dạy tiếng Anh vì ngại vất vả, thu
nhập thấp, cơ hội thăng tiến chuyên môn không bằng so với dạy bậc THPT.
Trong số SV sư phạm tiếng Anh được hỏi về nguyện vọng liên ngành cũng
không có SV nào chọn học thêm ngành giáo dục tiểu học.
Tất cả phụ huynh có con học sư phạm tiếng
Anh đều có chung ý kiến “không hướng cho con đi dạy tiếng Anh tiểu học,
ít ra cũng dạy bậc THCS”.
Vài năm trở lại đây, ngành giáo dục tiểu
học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thu hút khá đông người học văn bằng 2.
Trong số này có đến 70% người có bằng giáo dục mầm non, nhưng không có
ai tốt nghiệp ngành tiếng Anh hoặc sư phạm tiếng Anh có nguyện vọng học
thêm giáo dục tiểu học. SV sư phạm tiếng Anh có nguyện vọng học văn bằng
2 cũng không chọn ngành giáo dục tiểu học.
Do vậy, tìm nguồn GV vừa có trình độ tiếng Anh vừa có chuyên môn sư phạm tiểu học, vừa yêu nghề là điều quá khó.
Ở góc nhìn của một đơn vị đào tạo, thạc
sĩ Võ Thị Ngọc Trâm, khoa sư phạm tiểu học Trường ĐH Thủ Dầu Một, cho
rằng việc xây dựng đội ngũ GV vừa dạy tiểu học vừa dạy tiếng Anh tiểu
học rất cần thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này, các cơ sở đào tạo
phải có đủ giảng viên, cơ sở vật chất, phương tiện...
Đây là vấn đề nan giải với các trường, lại càng không dễ với các trường địa phương vốn có đội ngũ giảng viên còn mỏng.
TS Lê Ngọc Điệp (trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM):
Đào tạo đã khó, giữ người còn khó hơn
Đào tạo GV tiếng Anh đã khó, giữ người
còn khó hơn, đặc biệt là giữ người giỏi. Chúng ta cần những GV có trình
độ 500, 600 điểm TOEFL. Giỏi như vậy, họ vào làm ở các công ty chứ vào
trường dạy làm gì để phải dự giờ, kiểm tra... với thu nhập 50.000
đồng/tiết.
Muốn đề án thành công, chúng ta cần chính sách
ưu đãi cho GV. Điều này, tiếc thay, đề án của bộ chưa đề cập. Theo tôi,
thu nhập của GV tiếng Anh phải ít nhất gấp đôi hiện tại. |